Lịch sử Quần đảo Senkaku

Thời kỳ ban đầu

Các ghi chép về những hòn đảo này đã có từ thế kỷ 15. Chúng được gọi là Điếu Ngư trong các thư tịch như Thuận phong tương tống (順風相送) (1403) [6] và sứ Lưu Cầu lục (使琉球錄) (1534). Cả tên tiếng Trung của nhóm đảo (Diaoyu, Điếu Ngư) và tên tiếng Nhật của đảo chính (Uotsuri, Ngư Điếu) đều có nghĩa là "câu cá".

Mô tả được công bố đầu tiên về quần đảo tại châu Âu là trong một cuốn sách do Isaac Titsingh nhập khẩu vào năm 1796. Thư viện sách Nhật văn nhỏ bé của ông có quyển Sangoku Tsūran Zusetsu (三国通覧図説 (Tam quốc thông lãm đồ thuyết), Sangoku Tsūran Zusetsu?) của Hayashi Shihei.[7] Văn bản này được lưu hành tại Nhật Bản vào năm 1785, mô tả về vương quốc Lưu Cầu.[8] Năm 1832, Quỹ Phiên dịch Đông phương của Anh và Ireland đã hỗ trợ xuất bản di cảo tóm tắt bản dịch tiếng Pháp của Titsingh.[9]

Tư liệu đầu tiên về quần đảo trong một cuốn sách tiếng Anh là tại miêu tả năm 1848 của Edward Belcher trong chuyến hành trình dài ngày của thuyền Sammarang.[10] Thuyền trưởng Belcher đã quan sát thấy rằng "các tên gọi được ấn định trong vùng này được thừa nhận quá vội vàng."[11] Belcher tường thuật là đã bỏ neo ngoài khơi đảo Pinnacle trong tháng 3 năm 1845.[12]

Vào thập niên 1870 và 1880, tên tiếng Anh "Pinnacle Islands" được hải quân Anh Quốc sử dụng để gọi các đá liền kề với đảo lớn nhất Uotsuri Jima/Diaoyu Dao (khi đó gọi là Hoa-pin-su); Kuba Jima/Huangwei Yu (khi đó gọi là Ti-a-usu); và Taishō Jima/Chiwei Yu.[13] Tên gọi "Pinnacle Islands" được một số nguồn tiếng Anh sử dụng tương đương với "Senkaku" hay "Điếu Ngư".[14]

Năm 1900, khi Tsune Kuroiwa, một giáo viên tại tỉnh Okinawa, đến thăm các đảo, ông đã đặt cho chúng tên gọi Senkaku Retto (尖閣列島 (Tiêm Các liệt đảo), Senkaku Retto?), nghĩa là dãy đảo gác nhọn, để đề cập đến nhóm đảo, dựa trên tên tiếng Anh.[15] Tài liệu chính thức đầu tiên ghi tên Senkaku Retto là của Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong Nihon Gaiko Monjo (日本外交文書, Nhật Bản Ngoại giao văn thư) vào thập niên 1950.[15] Trong tiếng Nhật, Sentō Shosho (尖頭諸嶼 (Tiêm Đầu chư tự), Sentō Shosho?) và Senkaku Shosho (尖閣諸嶼 (Tiêm Các chư tự), Senkaku Shosho?) cũng là các tên gọi được một số nguồn dùng để dịch "Pinnacle Islands". Sau đó, toàn bộ nhóm đảo được gọi là Senkaku Rettō, rồi trở thành Senkaku Shotō.[15]

Việc sử dụng tên gọi "Senkaku" để chỉ toàn bộ nhóm đảo trong tiếng Anh bắt đầu cùng với sự khởi đầu cho các tranh cãi về chủ quyền vào thập niên 1970.[16]

Nhật Bản và Hoa Kỳ kiểm soát

Các công nhân Nhật Bản tại một nhà máy chế biến cá ngừ tại Uotsuri Jima vào khoảng năm 1910[17]

Chính quyền trung ương Nhật Bản chính thức sáp nhập quần đảo vào ngày 14 tháng 1 năm 1895. Khoảng năm 1900, doanh nhân người Nhật Koga Tatsushirō (古賀 辰四郎 (Cổ Hạ Thìn Tứ Lang), Koga Tatsushirō?) đã xây dựng một nhà máy chế biến cá ngừ tại quần đảo với 200 công nhân. Việc kinh doanh đã thất bại vào năm 1940 và quần đảo từ đó vẫn bị bỏ hoang.[17] Đến thập niên 1970, các hậu duệ của Koga Tatsushirō đã bán bốn hòn đảo nhỏ cho gia tộc Kurihara ở tỉnh Saitama. Kurihara Hiroyuki sở hữu các đảo Uotsuri, Kita Kojima, và Minami Kojima. Còn một người chị/em gái của Hiroyuki thì sở hữu đảo Kuba.[18]

Hòn đảo nằm dưới sự chiếm đóng của Hoa Kỳ vào năm 1945.[17] Năm 1969, Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc (ECAFE) đã xác định tiềm năng dự trữ dầu mỏ và khí đốt trong vùng lân cận quần đảo Senkaku.[19] Năm 1971, Hiệp ước trao trả Okinawa đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua[20], trong khi chính quyền Đài Loan và Trung Quốc cũng bắt đầu chính thức tuyên bố quyền sở hữu các hòn đảo.

Kể từ khi quần đảo trở lại dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản vào năm 1972, thị trưởng Ishigaki đã được trao quyền quản lý dân sự đối với lãnh thổ này. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Nhật Bản đã cấm thành phố Ishigaki thực hiện công việc trắc địa hay phát triển quần đảo.[17][21] Năm 1979, một phái đoàn chính thức của chính phủ Nhật Bản gồm 50 học giả, quan chức chính quyền từ các bộ Ngoại giao và Giao thông, các quan chức đến từ Cơ quan Phát triển Okinawa (nay không còn tồn tại), và Kurihara Hiroyuki, đã viếng thăm quần đảo và cắm trại tại Uotsuri trong khoảng bốn tuần. Phái đoàn nghiên cứu hệ sinh thái địa phương, tìm kiếm chuột chũi và dê, nghiên cứu sinh vật biển địa phương, và khảo sát xem các đảo này có hỗ trợ cho cuộc sống của con người hay không.[22]

Từ năm 2002, Bộ Nội vụ và Truyền thông (Tổng vụ tỉnh) đã trả cho gia đình Kurihara 25 triệu Yên mỗi năm để thuê Uotsuri, Minami Kojima và Kita Kojima. Bộ Quốc phòng (Phòng vệ tỉnh) đã thuê đảo Kuba với một số tiền chưa được tiết lộ. Chính quyền trung ương Nhật Bản đã hoàn toàn sở hữu đảo Taisho.[22][23] Ngày 11 tháng 9 năm 2012, nội các Nhật Bản đã quyết định đã quyết định dùng ngân sách dự trữ để chi trả số tiền là 2,05 tỷ Yên (khoảng 26,15 triệu USD) cho gia đình Kurihara để "quốc hữu hóa" ba hòn đảo. Quyết định này đã bị phía Trung Quốc phản đối, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng nước ông sẽ "không lùi một tấc nào" trong cuộc tranh chấp chủ quyền này.[24]

Ngày 17 tháng 12 năm 2010, thành phố Ishigaki tuyên bố ngày 14 tháng 1 là "ngày Tiên phong". Trung Quốc đã phản đối hành động này của thành phố Ishigaki.[25] Năm 2012, cả chính quyền thủ đô Tokyo và chính quyền trung ương Nhật Bản đều tuyên bố có kế hoạch mua lại các đảo Uotsuri, Kita Kojima, và Minami Kojima từ gia đình Kurihara.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quần đảo Senkaku http://data.acap.aq/breeding_site.cfm?bs_id=2499 http://www.acap.aq/ http://catalogue.nla.gov.au/Record/1723970?lookfor... http://www.mca.gov.cn/article/zwgk/tzl/201203/2012... http://www.soa.gov.cn/soa/news/importantnews/webin... http://bbs.home.news.cn/upfiles/04B5B77C.002C http://books.google.com/books?id=8Ac9hLAES18C&pg=P... //books.google.com/books?id=LvoGAAAAQAAJ&pg=PA141 //books.google.com/books?id=MZGsi1ptLvoC&pg=PA10 //books.google.com/books?id=P6gZqPBBMdkC&pg=PA1